6 giai đoạn lộ diện

6 giai đoạn lộ diện C-1
(Ảnh: thienminhphotography)
Một trong những phản ứng gây thất vọng hơn cả khi tôi đọc các lời bình đằng sau bài viết “Có thể chọn mình là gay?” [Xem]
là thái độ phán xét/chỉ trích đối với những người chưa hoàn toàn lộ
diện. Tôi nghĩ chúng ta có thể giúp đỡ cộng đồng mình và cho chính bản
thân chúng ta bằng sự hiểu biết sâu sắc hơn rằng, kinh nghiệm lộ diện (come out*)
là khác nhau ở mỗi người. Khả năng tự thừa nhận “Tôi là gay” ở người
này khác với người kia. Một vài người “biết” điều này từ khi còn bé xíu,
những người khác thì “biết” chậm hơn –tại thời điểm nào đó trong cuộc
đời họ. Với một số người, tiến trình lộ diện thật dễ dàng, song với
những người khác lại rất khó khăn.

Một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên về lĩnh vực này, Vivian Cass, đã đề cập đến một mô hình mà tôi ưa dùng nhất.
+Giai đoạn 1: cái Tôi bối rối (Identity Confusion: bối rối bản dạng)Câu nói “kinh điển” của giai đoạn này chính là “Có gì đó không phải, tôi thấy mình khác lắm.”

Đôi khi, chỉ là chúng ta không biết diễn đạt như thế nào mà chúng ta lại
thấy có gì đó khác biệt. Nhiều chàng trai nói về sự nhận biết khi họ
còn niên thiếu. Cách chúng ta phản ứng với tình trạng này là khác nhau, ở
những người come out một cách nhanh chóng hay những người cần thêm thời
gian. Dù có lý lẽ gì, một số người vẫn cảm thấy bế tắc và suy sụp.
Những người khác ý thức được “Tôi khác biệt” nghĩa là gì và họ bắt đầu
xâu chuỗi các sự kiện lại với nhau.
+Giai đoạn 2: cái Tôi so sánh (Identity Comparison: so sánh bản dạng)Đến đây, chúng ta sẽ tự hỏi: “Có ai giống như mình không?”

Giai đoạn này diễn ra có thể là khi chúng ta bắt đầu hiểu được những
danh xưng như “đồng tính”/“gay” mà ta nghe thấy trên tivi hay từ một
đoạn buôn dưa lê nào đó, ta nhìn thấy ai đấy hoặc thậm chí chính ta bị
chọc ghẹo. Những người khác nói gì đó giúp chúng ta “click” vào một mức
độ hiểu biết mới. Phần lớn giai đoạn này là đương đầu với cảm giác đơn
độc/chênh vênh vì chúng ta thiếu thông tin. Giai đoạn này là giai đoạn
thu thập thông tin.
+Giai đoạn 3: cái Tôi dung nạp (Identity Tolerance: dung nạp bản dạng)Giai
đoạn này, ta bước đầu ý thức về sự thừa nhận bản thân, đó là khi chúng
ta có thể nói: “Chắc mình là gay rồi”. Sự cự tuyệt bên trong giảm đi,
nhưng Tôi vẫn không đụng chạm gì nhiều tới “những người đó” xung quanh
mình vì Tôi rất “khác biệt”. Đây là giai đoạn mà rất nhiều người phải
viện tới chiêu: Tôi cư xử hết sức “thẳng” (straight) để tạo “vỏ bọc” che
dấu cái phần trong tôi.

Đây cũng là giai đoạn mà ta dễ phản ứng tiêu cực: “Tôi không giống họ”,
khi nghe thấy lời nói thành kiến nào đó về gay. “Họ” ở đây có thể bị
những thành kiến bóp méo thành “tụi bóng”, “tụi pê đê” hay “xăng pha
nhớt”. Trong giai đoạn này, các thành kiến mà ta thu nạp gây tác động
tiêu cực nhất đến tiến trình come out của mỗi chúng ta. Vượt qua giai
đoạn này chính là biết lắng nghe và đối diện với những thông điệp thẳm
sâu trong mỗi người.


6 giai đoạn lộ diện C2
(Ảnh: TaoXanh)
+Giai đoạn 4: cái Tôi thừa nhận (Identity Acceptance: thừa nhận bản dạng)Tìm
thấy và kết bạn với những người đàn ông đồng tính khác, từ đó mà ta có
những mẫu hình đồng tính để noi theo, điều này thật sự quan trọng. Với
các thế hệ trước, việc tìm kiếm và kết bạn rất khó khăn. Ngày nay, với
sự bùng nổ của công nghệ thông tin cùng sự xuất hiện của các nhóm hỗ trợ
người đồng tính ở khắp nơi, các cá nhân có đủ may mắn tìm ra cho mình
một phương tiện/con đường thích hợp để dấn thân và tính chuyện sống
thật. Các chàng trai sẽ bắt đầu tự hỏi “Tôi muốn sống cuộc đời của một
người đàn ông đồng tính như thế nào đây?”.
+Giai đoạn 5: cái Tôi tự hào (Identity Pride: tự hào bản dạng)Trong
giai đoạn này, ta ý thức được rằng “Đây mới chính là tôi”. Niềm tự hào
là gay bắt đầu biểu hiện. Việc Tôi lộ diện với những người khác giờ là
chuyện “thường ngày ở huyện”. Ở một số người, niềm tự hào thậm chí còn
trở nên hiếu chiến “Tôi là gay đây này, sao nào!” (Ngon nhào dzô!). Đôi
khi còn có sự từ chối, miễn tiếp thế giới những người “thẳng”: “Tôi chỉ
muốn ở bên những người giống mình”.
+Giai đoạn 6: cái Tôi hòa nhập (Identity Synthesis: tổng hòa bản dạng)Là
gay trong giai đoạn này đơn giản chỉ như một sắc màu của của cuộc sống.
Các cá nhân chuyển đổi trạng thái tâm lý từ “Họ > < Chúng tôi”
sang thừa nhận sự giống nhau giữa thế giới đồng tính và dị tính. Tất cả
chúng ta đối diện với các vấn đề cuộc sống giống nhau nhiều hơn là khác
nhau: Công việc của tôi có bảo đảm không? Tôi hài lòng với thế giới này
như thế nào? Điều gì là quan trọng với tôi? Làm thế nào tôi tìm được
người thương của mình?
Và bạn tin hay không, các vấn đề trong quan hệ đôi lứa của chúng ta cũng
giống nhau nhiều hơn là khác biệt. Tất cả chúng ta đều đấu tranh cho
tình yêu để được gần gụi bên nhau.

Tôi muốn nhắc lại điều này, thật quan trọng để nhớ rằng chúng ta không
đi qua các giai đoạn trên với cùng một tốc độ như nhau. Những người đàn
ông và phụ nữ đang trong giai đoạn đầu không thể được trợ giúp bằng cách
“đẩy” họ đi nhanh hơn, dù bản thân ta có mong đợi như thế nào. Họ phải
tự đi từng bước trên đôi chân mình.

Điều mà bạn có thể giúp đỡ chính là trả lời một cách chân thực các câu
hỏi của họ và không phán xét chỉ vì họ còn “chưa chịu” đi hết con đường.
Hãy sẻ chia tiến trình lộ diện của bạn. Dù cho nó có là một trải nghiệm
êm đẹp hay không thì khi những người khác đọc được, có thể họ sẽ thấy
một phần bản thân mình trong ấy, và họ sẽ sử dụng những kinh nghiệm đó
như một thứ hành trang hữu ích trên bước đường lộ diện chính mình.

Câu chuyện lộ diện của bạn thế nào nhỉ?



--Dr. Weston Edwards
(Noel phỏng dịch từ Gay.com)
From tinhyeutraiviet.com
--------------------
*Come out: chữ tiếng Anh nhưng thường được dùng trong tiếng Việt trong giới ĐTLA.
“Come out” thường được dịch sang tiếng Việt là “lộ diện”, “công khai”.
Ngoài ra, “Come out” còn được dịch là “bước ra ngoài ánh sáng” với ý
nghĩa: không chỉ nói đến sự lộ diện với người khác hay công khai với mọi
người, mà còn bao hàm cả ý nghĩa khẳng định với chính bản thân về xu
hướng tình dục của mình. (Theo giải thích của iSEEViện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường).